Một vài trải nghiệm với kiểu gõ tốc ký Tubinhtran

do nhóm Chữ Việt Nhanh phát triển

 

Nguyễn Đoàn Minh Đức

 

ndminhduc

 

Nguồn: https://tinhte.vn/threads/mot-vai-trai-nghiem-voi-kieu-go-toc-ky-tubinhtran-do-nhom-chu-viet-nhanh-phat-trien.2408997/

 

Tinhte-giao-dien-WinVNKey.PNG

 

Có thể nói VNI và Telex là 2 kiểu gõ tiếng Việt phổ biến nhất hiện nay. Từ trước đến nay bản thân mình vẫn đang gõ kiểu Telex trên hầu hết các thiết bị mà mình dùng. Cá nhân mình nghĩ Telex là chuẩn gõ nhanh và tiện dụng nhất. Gần đây, tình cờ mình được biết tới một kiểu gõ mới mang tên Tubinhtran, kiểu gõ "Vần lười" với ý tưởng là chỉ cần gõ tắt, ứng dụng sẽ tự bung ra thành từ ngữ hoàn chỉnh. Theo nhóm phát triển "Chữ Việt Nhanh", nếu được vận dụng thành thạo, kiểu gõ này giúp gõ nhanh hơn tới 40% so với cách truyền thống. Mình đã thử dùng cách gõ này trong thời gian ngắn và hôm nay xin chia sẻ cùng với các bạn một số trải nghiệm khá thú vị.

Đôi nét về kiểu gõ tốc ký "Vần lười"

Kiểu gõ Tubinhtran là sự kết hợp giữa phương pháp gõ tắt chữ Việt do Thầy Trần Tư Bình (hiệu trưởng Trường Văn hóa Việt Nam Marrickville, Úc) và phần mềm WinVNKey do Tiến sĩ Ngô Đình Học phát triển. Trên thực tế, WinVNKey là một ứng dụng gõ chữ Việt không quá mới lạ. Nó được giới thiệu lần đầu vào năm 2001 và từ đó đến nay, đã được nhiều lần cập nhật và bổ sung thêm khá nhiều tính năng. Để bắt đầu làm quen với kiểu gõ này, mình đã đọc qua một số bài viết do nhóm trình bày ngay trên diễn đàn.

Dĩ nhiên, điều đầu tiên mình làm để trải nghiệm kiểu gõ này là cài đặt phần mềm WinVnKey. Mình đã tham khảo cách tải về, cài đặt và tinh chỉnh ban đầu phần mềm để có thể gõ kiểu tắt. Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn chi tiết tại 2 đường dẫn sau: Cách cài WinVNKey để gõ tiếng Việt trong nền Windows 8 và chi tiết hơn tại Hướng dẫn chi tiết cách cài WinVNKey để gõ tiếng Việt.

Nếu muốn sử dụng phần mềm tốt nhất, các bạn nên đọc kỹ 2 hướng dẫn trên đây. Đặc biệt là chú ý là WinVNKey được phát hành 2 phiên bản 32 bits và 64 bits. 2 phiên bản này phải được dùng cho phù hợp với phiên bản Windows và phần mềm bạn cần gõ tiếng Việt cho phù hợp. Phải chọn cho tương ứng thì bạn mới có thể gõ được.

Nhìn chung cũng khá là rối đối với những người dùng phổ thông, ít chú ý. Cá nhân mình nghĩ đây cũng là một trở ngại mà nhóm phát triển cần phải khắc phục để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với ứng dụng hơn vì đa số người dùng, đặc biệt là người dùng văn phòng, giáo viên,… đều khó có thể phân biệt được 2 phiên bản 32 và 64 bits một cách dễ dàng.

Học cách mới: "Pain"

Tinhte-quy-tac-go-tubinhtran.jpg


Sau khi cài đặt xong phần mềm, tùy chỉnh theo hướng dẫn, mình bắt đầu đọc cách gõ tắt kiểu Tubinhtran. Nếu thích bạn có thể đọc bài viết Giới thiệu về kiểu gõ chữ Việt dạng vần lười và Hướng dẫn gõ chữ Việt phương pháp mới.

Một điều mà mình nghĩ là chắc chắn bạn nào mới đọc 2 bài hướng dẫn trên sẽ thốt lên: Phức tạp quá! Mình cũng vậy, khi đọc 2 cách gõ này, mình tưởng chừng như không thể nuốt nổi, đặc biệt là mình lại khá lười :D. Tuy nhiên, cái tuyên bố gõ nhanh hơn tới 40% so với Telex như có cái ma lực kỳ lạ thôi thúc mình. Mình quyết định tiếp tục thử để xem nó có đúng như vậy không , Và xin thưa với các bạn, cho tới giờ phút này mình nghĩ rằng Cũng rất đáng để thử đấy!

Nói sơ qua về cách gõ Tubinhtran. Đây là một cách gõ tốc ký chữ Việt được tác giả Ngô Đình Học tích hợp vào phần mềm WinVNKey thông qua các thuật toán phức tạp. Nhóm tác giả chia sẻ ý tưởng kiểu gõ mới được nhen nhóm từ quyển sách "Cải tiến chữ quốc ngữ" do nhóm tìm đọc được từ rất lâu. Và từ đó, nhóm tìm cách tốc ký hệ thống 52 vần, vốn có 3 hoặc 4 mẫu tự, xuống còn chỉ cần gõ 2 mẫu tự cho mỗi vần là tự hiện ra toàn bộ từ hoàn chỉnh. Rồi ý tưởng ấy đã thành hiện thực khi phong trào sử dụng ngôn ngữ mạng ra đời, cần phải có một cách mới để gõ nhanh hơn. Tuy nhiên, lưu ý là các gõ của nhóm không phải là kiểu viết "tiếng lóng" của teen mà là một giải pháp Khoa học được nghiên cứu sâu rộng, hy vọng sẽ trở thành một chuẩn gõ tối ưu cho tiếng Việt. Rất đáng trân trọng.

Để có thể vận dụng phương pháp này, bạn phải nhớ kiểu gõ dấu Tubinhtran và học thuộc 31 quy ước gõ tắt. Cái này là phần gian nan nhất, nhưng "No Pain No Gain", thôi mình đã lỡ tìm hiểu rồi, cố học hết vậy! Mình từng nghĩ rằng riêng kiểu gõ Tubinhtran cũng khá phức tạp do nó bắt mình phải nhớ nhiều và thay đổi thói quen. Tuy nhiên, sau khi mình học nó và học thêm 31 cách gõ tắt, mình mới cảm nhận được sự lợi hại của nó. Toàn bộ giai đoạn học kiểu mới này mất của mình gần 1 giờ. Cũng đáng để bỏ ra lắm chứ!

Cảm nhận thành quả: "Gain"

Sau khi hoàn tất quá trình học, bây giờ đã đến lúc mình thực hành. Giờ mình sẽ gõ thử một đoạn bằng Telex và kiểu Tubinhtran cho các bạn xem. Kết quả hoàn toàn có thể so sánh lượng hóa một cách dễ dàng. Mình sẽ gõ lại bài hát mà mình thích "Mùa xuân đầu tiên".

 

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa nắng cho bao tâm hồn.

 

Nếu như gõ telex, mình sẽ gõ là:

 

Rooif datwj diuf muaf xuaan theo ens veef. Muaf binfh thuownfg muaf vui nay ddax veef. Muaf xuaan mow uocws aays ddang ddeens ddaauf tieen. Voiws khois bay treen soong, gaf ddang gays truaw been soong. Mootj truaw nanwgs cho bao taam hoonf.

 

Còn với cách gõ Tubinhtran, mình sẽ gõ là:

 

R8i2 z9t5 ziu2 mua2 x6l nay da4 v72. Mua2 bi2h th[z2 mua2 vui nay da4 v72. Mua2 x6l mog [c1 6y1 da4 d7n1 da4 til. V]1i koi1 bay tr7n s8g, ga2 dag gay1 tr[a b7n s8g. M8t5 tr[a n9g cho bao t6m h8n2.

 

Kết quả cuối cùng, đoạn văn trên, nếu mình gõ bằng telex, mình phải mất 240 lần gõ phím (bao gồm cả space) trong khi đó, với cách gõ mới, mình chỉ mất 196 lần gõ. Nếu xét theo tỷ lệ thì cách gõ mới đã tiết kiệm được hơn 22% thời gian.

 

Một thí dụ khác do nhóm phát triển demo thử cho chúng ta xem. Đoạn văn như sau:

Nằm trong Biển Đông, quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, hiện vùng mở rộng (diện tích) của nó vẫn còn chưa được biết và đang trong vòng tranh cãi. Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc, mỗi nước đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo.

 

Đoạn văn này được gõ bằng Telex:

 

Nawm2 trong Bieenr Ddoong, quaanf ddaor Truwowngf Sa dduwowcj bao quanh bowir nhuwngx vungf ddanhs cas truf phus vaf giauf cos veef taif nguyeen daauf mor vaf khis ddoots, hieenj vungf mowr roongj (dieenj tichs) cuar nos vaanx conf chuwa dduwowcj bieets vaf ddang trong vongf tranh caix. Vieetj Nam, Ddaif Loan vaf Trung Quoocs, mooix nuwowcs ddeeuf tuyeen boos chur quyeenr treen toanf booj quaanf ddaor.

 

Và với kiểu gõ Tubinhtran:

 

N9m2 trog Bil3 D8g, q6l2 dao3 Tr[z2 Sa d[s5 bao qah b]i3 nh[g4 vug2 dah1 ca1 tru2 fu1 va2 jau2 co1 v72 tai2 ngyl z6u2 mo3 va2 ki1 d8t, hil5 vug2 m]3 r8g5 (zil5 tik) cua3 no1 v6n4 con2 ch[a d[s5 bid va2 dag trog vog2 trah cai4. Vid5 Nam, Dai2 Lol va2 Trug Qus, m8i4 n[s d7u2 tyl b81 chu3 qyl2 tr7n tol2 b85 q6l2 dao3.

 

So sánh 2 cách gõ trên, Telex mất tới 405 phím (kể cả space) trong khi kiểu Tubinhtran mất chi 315 phím gõ. Và so về tỷ lệ, kiểu mới nhanh hơn kiểu gõ Telex cũ 22% tương đương 90 ký tự. Khá ngạc nhiên là 2 thí dụ của mình và của nhóm đều cho kết quả tương đương nhau về tỷ lệ gõ nhanh. Khá thú vị.

Tạm kết

Sau một thời gian ngắn sử dụng cách gõ mới này, mình thật sự cảm thấy thích thú với những trải nghiệm mà nó mang lại. Sau khi vượt qua được khó khăn ban đầu, tốc độ gõ đã được thể hiện rõ qua các con số lượng hóa nói trên. Do thời gian dùng của mình còn quá ngắn nên cũng chưa được nhuần nhuyễn cho lắm. Mình đã bị kiểu gõ này thu hút bởi tính khoa học của nó, từ thao tác di chuyển tay cho đến các quy ước, tuy có hơi rối rắm lúc ban đầu, nhưng mình cảm nhận được sự tính toán khoa học trong đó.

Tuy nhiên, dưới góc độ một người dùng phổ thông, mình vẫn còn một số điểm chưa được thỏa mãn ở lần trải nghiệm này. Nếu như cách gõ tốc ký Tubinhtran cho mình trải nghiệm khá tốt thì phần mềm chưa được hoàn thiện tốt. Có lẽ do nền tảng đã cũ nên WinVNKey chưa hoạt động thật sự hoàn hảo trên Windows 8 và tính tương thích cũng chưa cao. Quá trình cài đặt, tùy chỉnh ban đầu cũng làm mình mất khá nhiều thời gian. Đồng thời, hơi đòi hỏi hơn một tý là giao diện của người dùng vẫn còn khá phức tạp, rối mắt và chưa hiện đại.

Cuối cùng, mình cho rằng đây là một kiểu gõ rất tiềm năng, đặc biệt là khi được mang lên các nền tảng di động để dùng trên smartphone hay tablet thì hiệu quả của nó sẽ càng rõ rệt. Những từ dài sẽ được gõ khoảng 2,3 ký tự là phần mềm sẽ tự bung ra từ hoàn chỉnh. Phần mêm cũng còn nhiều chức năng khác mà mình chưa có thời gian khám phá thử nhưng thiết nghĩ là cũng khá thú vị. Hy vọng rằng nhóm phát triển sẽ cho ra đời những phiên bản WinVNKey được cập nhật mới hơn, thao tác cài đặt thuận tiện và dễ sử dụng hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận với cách gõ này. Còn nhiều bài viết khác được nhóm tác giả đầu tư khá tỉ mỉ và tâm huyết đăng tại đường dẫn bên dưới, các bạn có thể theo dõi thêm nếu thích cách gõ mới này. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết và Chúc năm mới vui vẻ.
😊:D

 

 

© Trần Tư Bình (Email: tubinhtran@gmail.com, Web: Chữ Việt Nhanh).

 

 

Về Trang Chính

Ch Vit Nhanh